Tổ Xà Dạ Đa (Jayata), sanh sau Đức Phật nhập Niết bàn 732 năm. Ở nước Bắc Ấn, cha tên Xà Phiệt Đà, mẹ tên Ưu Phúc Hiền, theo Ấn Giáo. Khi Ngài xuống miền Trung nước Ấn, vào chùa Tịnh An, gặp Tổ Cưu Ma La Đa, xin Tổ giải cho Ngài câu:
- Phật và chúng sanh Tánh thường rỗng lặng, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.
Tổ giải:
- Phật là trùm khắp và tự nhiên Thanh tịnh trong sáng. Trong sáng này là nhờ Điện Từ Quang tự nhiên không phải là Điện từ Âm Dương trong các hành tinh cũng như thân tứ đại của ông.
- Trong thân của mỗi chúng sanh, ai cũng có 2 thứ điện từ:
Một: Điện Từ Quang tự nhiên trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh.
Hai: Điện từ Âm Dương trong càn khôn vũ trụ là nói trùm khắp, còn nói hạn hẹp là trong mỗi hành tinh, còn nói nhỏ là trong thân mỗi loài chúng sanh.
Khi người tu Thiền tông mà giữ tâm vật lý được Thanh tịnh, thì điện từ Âm Dương dần dần bớt đi với họ. Nhờ vậy, mà Điện Từ Quang ở trong thân của họ lần lần hiển lộ. Khi điện từ Âm Dương trong Người của họ còn thật ít, tự nhiên Điện Từ Quang tự nhiên trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, hút Điện Từ Quang trong thân của họ vào trong “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, cho nên trong kinh Đức Phật dạy chỗ này như ông hỏi:
- Phật, Chúng Sanh Tánh thường rỗng lặng.
- Đạo cảm thông không thể nghỉ bàn.
Tôi xin nói rõ thêm, khi tâm vật lý ông được Thanh tịnh, tức khắc Điện Từ Quang mênh mông trong Phật giới và Điện Từ Quang nhỏ xíu trong thân ông, hai phần điện Điện Từ Quang này hòa cùng với nhau khó mà diễn tả được. Vậy nên chỉ Người nào được hút vào, thì tự Người đó biết thôi. Vì chỗ đó, Đức Phật mới nói là không thể nghỉ hay bàn, là nói chỗ này vậy.
Ngài vừa nghe Tổ Cưu Ma La Đa giải thích, bỗng Ngài khóc và trình với Tổ:
- Con vừa nghe Thầy vừa dẫn giải Phật và chúng sanh, sao tự nhiên con như bị mất mình, hiện tượng lạ ấy là gì, kính xin Thầy giải thích cho con hiểu.
Tổ dạy:
- Người nào vừa nghe một câu kinh tuyệt cao trong Nhà Phật, mà có hiện tượng như con nói, là Người đó đã cảm nhận được Thanh tịnh thiền mà Như Lai dạy nơi thế giới này rồi vậy.
TRÍCH QUYỂN "CUỘC ĐỜI VÀ NGỘ ĐẠO CỦA 36 VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG". NXB. TÔN GIÁO HÀ NỘI – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN