Thái tử Tất Đạt Đa ban đầu Ngài có bốn cái thắc mắc:
1- Con người từ đâu đến thế giới này?
2- Đến thế giới này để rồi bị sanh, già, bệnh, chết?
3- Khi còn ở nơi thế giới này, tranh giành, hơn thua, chém giết với nhau, sau cùng rồi cũng phải lìa bỏ tất cả?
4 – Chết rồi sẽ đi về đâu?
Bốn cái thắc mắc ấy, ban đầu Thái tử Tất Đạt Đa tìm hỏi, học với tất cả những người có học vấn cao trong triều đình, nhưng không ai trả lời cho Thái tử thỏa mãn cả. Tiếp tục, Thái tử đi hỏi các vị tu theo Tiên đạo cao nhất, danh tiếng nhất, nhưng cũng không vị nào trả lời được. Sau khi Thái tử xuất gia, tức ra khỏi nhà, để tìm hiểu bốn thắc mắc nói trên. Ban đầu, Thái tử dụng công tu đạt được các thiền như:
1-Sơ thiền.
2- Nhị thiền.
3- Tam thiền.
4- Tứ thiền.
5- Thiền Phi phi tưởng.
6- Thiền Diệt tận định.
Tuy đã đạt đến các cảnh thiền như vậy, nhưng Ngài cũng không biết rõ bốn cái thắc mắc trên. Sau cùng, Thái tử tọa thiền để tâm vật lý của Ngài thanh tịnh, rỗng lặng, hằng tri, bỗng nhiên tâm Ngài phát sáng, thấy và biết rõ ràng tất cả những thắc mắc của Ngài, là nhờ đạt được pháp môn thiền này, nên Ngài gọi là “Như Lai Thanh tịnh thiền”. Là cái thiền định không dụng công, cứ để tự nhiên tâm vật lý thanh tịnh là phải.
Nói theo hiện nay, Đức Phật đã “phát minh” ra “công thức” tu thiền Thanh tịnh. Khi Ngài sắp lìa bỏ thế giới này, Ngài truyền thiền Thanh tịnh này lại cho ông Ma Ha Ca Diếp, làm Tổ sư thiền Thanh tịnh đời thứ nhất. Các đời Tổ sau truyền cho nhau pháp môn thiền Thanh tịnh này, các Ngài gọi là Thiền tông.
Sao gọi gọi là Thiền tông?
Vì pháp môn thiền này, các Tổ truyền cho nhau, có bài kệ truyền thiền hẳn hoi. Được truyền đúng theo qui cách mà Đức Phật đã dạy. Đặc biệt, có tập kệ Huyền ký mà Như Lai truyền lại cho hậu thế. Vì có dòng truyền riêng của nó, nên được gọi là Thiền tông. Các Tổ sư thiền truyền cho nhau, nên các Ngài gọi là Tổ sư thiền.
Pháp môn Thiền tông là pháp môn không dụng công tu bất cứ gì cả, đồng nghĩa là không phải khổ công ngồi thiền, hành kiểu này hay kiểu khác, mà chỉ cần trực nhận ra Phật Tánh của chính mình và hằng sống với Phật Tánh ấy là đủ. Vì sao vậy?
Vì Tu có nghĩa là sửa. Mà tất cả những gì thuộc về vật lý thì mới sửa được.
Ví như ta sửa cái nhà, sửa cái xe, sửa cái thân người này cho nó đẹp đẽ hơn … Còn Phật Tánh của chúng ta nó vốn rất quý mà chúng ta không chịu nhận nó và hằng sống với nó, mà lại đi sửa nó. Khi Ngài Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo, Ngài có thốt lên:
- Chính “nó” xưa nay không phải một vật!
- Chính “nó” hằng thanh tịnh!
- Chính “nó” hằng sáng suốt!
- Chính “nó” không sanh, không diệt!
- Chính “nó” trùm khắp…!
Mà đã “không phải một vật” thì làm sao mà sửa được. Bởi vậy, ngày nay chúng ta nghe nói số người tu hành thì nhiều, còn số người “đạt đạo” thật chẳng là bao là lý do này vậy.