Chùa Thiền tông TÂN DIỆU, do Tỳ Kheo Ni Đức Thảo (thế danh Trần Thị Liệu, sanh năm 1912) dựng lập vào ngày 15-10-1956 (Âm lịch).
Khi còn là cư sĩ, bà đọc Kinh Kim Cang và Pháp Bảo Đàn, bà đã đạt được “Bí mật Thiền tông” vì bà nhận ra ý chỉ sâu mầu của Đức Phật dạy, nên bà dựng lập ngôi chùa TÂN DIỆU nhỏ để tu tập Thiền tông. Mục đích của bà dựng lập nên ngôi chùa Thiền tông Tân Diệu là có 5 phần chánh như sau:
1- Tu tập chỉ duy nhất pháp môn Thiền tông của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy nơi thế giới này, cũng như noi gương của Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử, mà trong đó điển hình là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
2- Giảm bớt sự mê tín của con người.
3- Xóa sạch dị đoan nơi loài người.
4- Giúp con người giác ngộ sự thật nơi thế giới này nói riêng, cũng như trong Càn khôn Vũ trụ này nói chung, để loài người bớt hơn thua, tranh giành, chém giết lẫn nhau, mà sống hòa bình với nhau.
5- Nương theo lời dạy của Đức Phật và các vị Tổ sư Thiền tông, giúp người có đại duyên, đại phúc thoát khỏi sức hút khủng khiếp của vật lý Âm Dương; giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi để không còn bị Sanh, Lão, Bệnh, Tử và trở về “quê hương” chân thật của mình là “Bể Tánh thanh tịnh Phật Giới”.
Nhưng vì năm ấy quân dân Việt Nam chống quân Pháp xâm lược đã lên gần đỉnh điểm, nên việc xây chùa Thiền tông để nói lên môn Thiền tông học này không thực hiện được tròn vẹn. Mong ước của bà:
Về sau này con, cháu hay ai tu tại chùa Thiền tông Tân Diệu này phải giữ đúng phong cách của Thiền Tông và xây dựng nên một ngôi chùa Thiền tông đúng nghĩa, có khắc ghi lại lời dạy của Đức Phật về Giác ngộ và Giải thoát và bài kệ của những vị ngộ Thiền trên những bảng đá tại chùa.
Bà có Huyền ký lại cho hậu nhân để thay mình xây chùa Thiền tông bằng 24 câu kệ như sau:
Hoa thiền nở tại Linh Sơn
Thầy đã nhận được, quí hơn ngọc vàng
Quê hương chưa được bình an
Thiền tông chưa được mở mang nơi này.
Các con ghi nhớ lời Thầy
Giang sơn nối lại nơi đây “mọc” Thiền
Vạn dân xum họp bình yên
Mạch chảy Nguồn thiền phải phát bùng xa.
Lòng từ của Phật Thích Ca
Hai lăm thế kỷ hiện ra nơi này
Các con ghi nhớ lời Thầy
Đến đời Minh Triết nên xây chùa thiền.
Khởi đầu tuy có não phiền
Nhiều người muốn phá chớ phiền mà chi
Kim Cang giúp đỡ tức thì
Tiền Thầy, Thầy chỉ sau này chẳng lo.
Dù cho chùa nhỏ chùa to
Miễn sao ghi lại để cho mọi người
Thiền tông lợi ích mọi nơi
Nhiều người ngộ đạo tươi cười Thiền tông.
Chánh pháp nhãn tạng trong lòng
Niết bàn vi diệu, hiện phồng nơi đây
Tiền Thầy, Thầy để gốc cây
Đến đời Minh Triết đem xây Phật đài.
Điện thờ Tổ sáng lập chùa Thiền tông Tân Diệu
Sư Bà – Thiền sư Ni Đức Thảo
Tiếp theo, Thiền gia Chánh Huệ Luân nguyện hứa với Thầy mình, nhất định ghi nhớ những gì mà Thầy mình đã dạy. Hậu nhân ấy có để lại bài kệ lục bát 20 câu:
Chúng con ghi nhớ lời Thầy
Thiền tông nguyện mở nơi đây lưu truyền
Xin Thầy yên dạ ngủ yên
Chúng con xin trọn lời nguyền không sai.
Những người đến “Tiểu Linh Đài”
Nhìn Thấy sen nở, biết ngay ánh thiền
Chúng con quyết trọn lời nguyền
Làm tròn tâm nguyện môn Thiền vươn xa.
Chúng con nguyện trước Thích Ca
Giúp người mê muội nhận ra Nguồn thiền
Từ đây hết đảo hết điên!
Làm trọn lời nguyền trước Phật Thích Ca.
Chúng con xin nguyện bày ra
Cùng nhau chung sức nói ra lời Thầy
Chúng con xin nguyện lời này
Lập nhiều phương tiện xin Thầy đừng lo.
Dù cho thiền nhỏ, thiền to
Người đến Linh Thứu phải lo tu thiền
Mong rằng Chư Phật trợ duyên
Con nguyện ước nguyền, mãi mãi không thôi.
Tuân theo lời Huyền ký của vị Thầy nhận được “Bí mật Thiền tông” vào Thế kỷ 20 và vị Thầy kế tiếp, Thiền gia Chánh Huệ Phong nhận tất cả những gì mà các Thầy trước đã dạy. Nên vào năm 2006 đến 2009, Thiền gia Chánh Huệ Phong đứng ra xây chùa Thiền tông và Thiền tông Phật đài để ghi lại kệ Huyền ký của Đức Phật và Huyền ký của 2 vị Thầy trước. Bài kệ 16 câu như sau:
Linh Sơn sen nở Thiền tông
Ở tại “Đất Rồng” đã “mọc” núi Linh
Qua sông, vượt biển một mình
Chảy qua nhiều nước, đã dừng tại đây.
Chúng con nghe dạy của Thầy
Tìm nhiều phương cách, Mạch đây chảy hoài
Thiền tông chảy khắp trần ai
Chảy đến “Đất Rồng”, lưu lại Thiền tông.
Chúng con nguyện mãi trong lòng
Mạch tại “Đất Rồng” phải chảy đi xa
Ngày xưa Huyền ký Thích Ca
Hai lăm thế kỷ hiện ra “Đất Rồng”.
Chúng con xin nguyện trong lòng
Lập nhiều phương tiện “Mạch Rồng” chảy đi
Ngưỡng mong trên Đấng Từ Bi
Giúp người duyên lớn, ngộ thì như con.
II. Chùa Thiền tông TÂN DIỆU ngày nay
Thiền tông phổ biến tại chùa Thiền tông Tân Diệu, được Nhà sưu tầm thiền học Phật giáo là Thiền gia, soạn giả Nguyễn Nhân góp nhặt lại, biên soạn và viết ra thành 10 quyển sách nói về pháp môn tu Thiền tông, được những người trong và ngoài nước đọc nên có rất nhiều người giác ngộ Thiền tông. Mười quyển sách ấy gồm:
1- Tu theo pháp môn nào của đạo Phật dễ Giác ngộ.
2- Những câu hỏi về Thiền tông quyển I.
3- Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn Giải thoát.
4- Những câu hỏi về Thiền tông quyển II.
5- Khai thị Thiền tông.
6- Huyền ký của Đức Phật và những vị Ngộ thiền.
7- Đức Phật dạy tu Thiền tông và công thức Giải thoát.
8- Cuộc đời & ngộ đạo của 36 vị Tổ sư Thiền tông Ấn Độ – Trung Hoa – Việt Nam.
9- Sách trắng Thiền tông.
10- Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông.
Đặc biệt, quyển sách số 10: “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông”. Đây là tập sách của Đức Phật truyền cho Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp, do soạn giả Nguyễn Nhân cất công sưu tầm được với đầy đủ 12 chương, bao gồm:
Chương 1: Đức Phật dạy về Càn khôn Vũ trụ.
Chương 2: Đức Phật dạy về Cấu trúc một Tam Giới.
Chương 3: Qui luật Luân hồi của trái đất.
Chương 4: Hình thành một Trung Ấm Thân
Chương 5: Kệ Sám hối dành cho người lỡ khinh chê hay phá pháp môn Thiền tông.
Chương 6: Bài kệ truyền “Bí mật Thanh tịnh Thiền” cho Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp.
Chương 7: Các bài văn kệ của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông.
Chương 8: Ngài A Nan trình tập Huyền Ký để Đức Phật kiểm lần sau cùng.
Chương 9: Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp nhận tập Huyền Ký sau khi Đức Phật kiểm duyệt.
Chương 10: Qui định về người được phổ biến, cấp giấy và phong thiền.
Chương 11: Đức Phật dạy về 37 pháp quán trợ đạo.
Chương 12: Những câu hỏi về Thiền tông; nội qui cũng như cương lĩnh để xây dựng chùa Thiền tông.
Tính đến nay, đã có rất nhiều người đạt được “Yếu chỉ Thiền tông” và “Bí mật Thiền tông” được khắc ghi tại các bảng đá của chùa.
Đặc biệt vào ngày 11/01/2016 (nhằm ngày 12 tháng Chạp năm Ất Mùi), chùa Thiền tông TÂN DIỆU vinh dự được đón tiếp Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phó Thư Ký Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Trưởng Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Việt Nam – thành phố Hà Nội, đã viếng thăm chùa và tìm hiểu về pháp môn tu Thiền tông. Thật vinh hạnh hơn nữa, chùa Thiền tông Tân Diệu được quí Thượng tọa tặng cho 6 chữ:
“TÂN DIỆU – CHÙA ĐẤT PHẬT VÀNG”
* Các hạng mục tại chùa đã xây dựng gồm:
– Chánh điện Thiền tông gồm tôn tượng Đức Bổn Sư cầm cành hoa sen.
– Chánh điện Tổ sư Thiền tông và sơ Tổ sáng lập chùa Tỳ kheo Ni Đức Thảo.
– Nhiều tượng và phù điêu tại chánh điện.
– Thiền tông Phật đài.
– Tượng Đức Phật dạy 5 anh em Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu.
– Các bảng đá ghi lại bài kệ của Đức Phật dạy về dòng chảy mạch nguồn Thiền tông, bài kệ Đức Phật dạy trong Bể Tánh thanh tịnh Phật Giới, v.v…
– Các bài kệ của 36 vị Tổ sư Thiền tông và những vị ngộ Thiền xuất sắc.
* Các hạng mục tại chùa đang xây dựng gồm:
– Các bảng đá còn lại của 36 vị Tổ sư Thiền tông.
– Cổng tam quan chùa Thiền tông Tân Diệu.
* Các hạng mục tại chùa dự kiến xây dựng vào năm 2017 gồm:
– Tiếp tục xây dựng cổng Tam Quan.
– Các bảng đá ghi lại 60 Phần Tuyệt mật của Đức Phật để lại cho hậu thế gồm:
Phần 1: Tóm tắt 6 pháp môn tu của Đức Phật dạy
Phần 2: Cấu trúc Càn khôn vũ trụ
Phần 3: 6 loài sống chung trên Trái đất
Phần 4: Cấu tạo Trái đất
Phần 5: Nhiệm vụ Trái đất
Phần 6: Tổ chức một Tam Giới
Phần 7: Tổ chức Phật Giới
Phần 8: Giác ngộ là gì?
Phần 9: Trình bày luân hồi
Phần 10: Tu sao được Giải thoát
Phần 11: Ở trái đất này cúng cho ai ăn
Phần 12: Cách cúng đúng nơi Trái đất này
Phần 13: Trung ấm thân và nhiệm vụ là gì?
Phần 14: Tại sao không được dụng công?
Phần 15: Phật ở đâu và làm sao giúp người Giải Thoát?
Phần 16: Bồ Tát ở đâu và làm sao cứu khổ con người?
Phần 17: A La Hán ở đâu và làm gì?
Phần 18: Tánh Phật là gì?
Phần 19: Tánh người hình thành thế nào?
Phần 20: Phân tích rõ nhiệm vụ Trung ấm thân
– Một số công trình khác.
III. Tôn chỉ và cương lĩnh chùa Thiền tông TÂN DIỆU:
- Tôn chỉ: có 4 phần:
Phần 1:
– Nói lại ý nghĩa 6 pháp môn tu của Đức Phật dạy, để giúp cho những người tu theo đạo Phật rõ thông.
Phần 2:
– Phân tích rõ 6 pháp môn tu và thành quả của mỗi pháp môn.
Phần 3:
– Nói rõ tại sao con người bị luân hồi.
Phần 4:
– Chỉ rõ muốn thoát ra ngoài vòng sinh tử luân hồi phải làm sao?
- Cương lĩnh: có 4 phần:
Phần 1:
– Giải thích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu danh từ Giác ngộ là gì?
Phần 2:
– Giải thích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu danh từ Giải thoát là sao và đi về đâu?
Phần 3:
– Giải thích cho bất cứ vị nào đến tìm hiểu chữ Mê tín của Đức Phật dạy.
Phần 4:
– Chùa Thiền tông Tân Diệu tuyệt đối không chủ trương cúng lạy hay cầu xin.
Mong muốn của quí chùa hiện nay là những ai có tâm lớn, với “Tâm – Tài – Lực” hiện có của mình, để cùng chùa Thiền tông Tân Diệu giúp pháp môn Thiền tông học được vươn xa, đúng với bản hoài của Mười Phương Chư Phật, đó là:
“KHAI THỊ CON NGƯỜI NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT”, tức “CHỈ RÕ CON NGƯỜI NHẬN RA CÁI THẤY BIẾT CHÂN THẬT TRONG PHẬT TÁNH” của chính mình.
Hay nói rõ hơn:
Nhiệm vụ của Đức Phật Thích Ca ra đời nhằm chỉ cho con người biết được nguồn gốc của mình; biết tạo công đức; biết công thức vượt thoát ra khỏi Tam giới, trở về quê xưa chân thật của mình là Phật giới – nơi Mười Phương Chư Phật đang sinh sống.
Đức Phật có dạy:
Làm người, muốn tin hay làm một việc gì cũng phải:
– Suy xét cho thật kỹ, đúng mới tin: Đó là người khôn.
– Không suy xét mà tin đại: Đó là người dại!
Đức Phật nhấn mạnh:
“Thân người khó được”! Do vậy, đã mang thân người, chúng ta đừng phí thời giờ làm những chuyện phí công vô ích, để rồi tiếp tục theo nghiệp luân hồi không ngày cùng, kẻo uổng một kiếp người vậy!
Tất cả chỉ đơn giản vậy thôi!
ĐỊA CHỈ CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU
273 Ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam