CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU

CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU

CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy

Phật tánh không nay không xưa

Phật tánh không thêm, không bớt, không thừa

Người thấy sanh tử dây dưa

Hai thứ không chạm chỗ xưa Niết Bàn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy

Thiền Tông chẳng kiếm chẳng tìm

Chẳng quán, chẳng tưởng nhận liền tánh nghe

Tánh nghe, tánh thấy là bè

Đưa Người Thanh tịnh về miền quê xưa.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy

Như Lai dạy rõ cụ rằng

Ngọc châu như ý ở hằng nơi ta

Dù tìm được gần hay xa

Ngọc châu như ý thật là bỏ đi.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy

​-Tri kiến lập tri tức vô minh bổn  

Tri kiến bất lập tri, tức tánh Niết Bàn.  

-Thiền tông không quán tưởng cầu  

Ngồi thiền vạn kiếp vẫn sâu luân hồi.​

Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy

Vọng tưởng mà cầu huyền linh

Là tìm sanh tử để mình vui chơi

Thiền tông Phật bảo mình thôi

Thôi đi tất cả luân hồi không theo.

 

Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy

Tu Thiền mà Quán hay cầu

Chẳng khác đốt lửa giữa bầu bão giông

Thiền tông mà cố dụng công

Dụng công mà được bỏ sông cho rồi.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy

Cuộc sống hiện tại của ông

Là sống Nhân quả nên ông khổ sầu

Dù sống cao sang đến đâu

Cũng là luân chuyển không đâu an nhàn.

ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI DẠY

ĐẦU TIÊN NHƯ LAI THUYẾT ĐẠO MẦU

CÁC ÔNG TRIỆT NGỘ CHỖ THÂM SÂU

NHƯ LAI MỪNG CÁC ÔNG THẤU HIỂU

NGỌC CHÂU NHƯ Ý CHẲNG TÌM, CẦU

ĐỨC LỤC TỔ HUỆ NĂNG DẠY

BỒ ĐỀ VỐN KHÔNG CÂY

SÁNG KHÔNG PHẢI NHỜ ĐÀI

XƯA NAY KHÔNG PHẢI VẬT

CHỖ NÀO DÍNH BỤI NHƠ.

NĂM ANH EM NGÀI KIỀU TRẦN NHƯ NÓI

DỤNG CÔNG TÌM KIẾM PHẬT LÀM CHI

TRỰC NHẬN CHÂN TÂM NGỘ TỨC THÌ

TRẦN KIA SAO SUYẾN PHẢI LÌA BỎ

TÂM KIA TỊNH SÁNG NHẬN NGAY ĐI.

ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI DẠY

THIỀN THANH LÀ NHẤT TỰ THIỀN

BUÔNG, DỪNG, THÔI, DỨT HẾT LIỀN TỬ SANH

Ở TRONG VẬT LÝ ĐUA TRANH

ĐUA TRANH CÀNG MẠNH TỬ SANH, KÉO MÌNH.

ĐỨC PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG DẠY

THIỀN TÔNG THANH TỊNH MÀ TÙY DUYÊN

ĐÓI ĐẾN THÌ ĂN MỆT NGỦ LIỀN

TRONG NHÀ CÓ BÁU THÔI TÌM KIẾM

ĐỐI CẢNH VÔ TÂM CHỚ HỎI THIỀN.

Các bài khác
“應無所住而生其心” – Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, ý là: Phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy (chân tâm) mới xuất hiện.

I. LỜI KIẾN GIẢI:

 

Kính thưa Ban Quản trị Chùa Thiền tông Tân Diệu,

Tên tôi là: Nguyễn Danh Bơ, sanh năm 1958, Ngụ tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Sau một thời gian đọc những quyển sách của Tác giả Nguyễn Nhân, tìm hiểu về pháp môn Thiền tông Chùa Tân Diệu, tôi đã trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, ghi nhận được nhiều hiểu biết khác nhau. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ có thể trình bày một số điểm chính như sau:

 

1. Về tính chân thực của Pháp môn Thiền tông Chùa Tân Diệu:

Trong những năm gần đây, có một sự may mắn đối với tôi là tôi đã nhận ra được rằng mình đang sống trong vô minh. Rồi vì có những nhân duyên nhất định mà tôi đã bắt đầu đọc, nghe và tìm hiểu về Phật giáo, nhưng tôi chỉ biết học và hành trong nền tảng của Phật giáo nguyên thủy…

Cho đến khi đọc được những quyển sách của Tác giả Nguyễn Nhân thì quả thật tôi có bị sốc. Cũng khó nói được cái sốc ấy là như thế nào, nhưng trong cái sốc ấy lại thấy có những điều rất thú vị, đi vào được nhiều chỗ mà bản thân tôi thấy đang rất cần phải hiểu biết, rồi tôi thấy thích thú và có cảm giác rằng mình đang được khai thị…

Từ đó tôi đi đến quyết định là trước hết, cần tìm hiểu một số tư liệu để lại trong các kinh điển trước khi sách của Tác giả soạn giả Nguyễn Nhân được xuất bản.

Thời gian tìm hiểu chưa được nhiều và đặc biệt là bản thân còn hiểu biết rất khiêm tốn, nhưng cũng đủ để tôi tìm đến được một số cơ sở như sau:

- Pháp môn Thiền tông là do Đức Phật thuyết giảng vào những năm sau của cuộc đời Ngài. Tài liệu minh chứng rất nhiều, chẳng hạn các kinh Đại thừa như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Lăng Nghiêm Vv…;

- Một số những nguyên tắc tu tập của Pháp môn Thiền tông cũng đã được đúc kết và để lại trong kinh điển mà sách của Thầy Nhân tiếp tục nói đến, không mâu thuẫn, chẳng hạn:

應無所住而生其心” – Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, ý là: Phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy (chân tâm) mới xuất hiện.

Hay “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền (Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền – Phật Hoàng Trần Nhân Tông).

- Hoặc những câu như nói về đặc trưng của Thiền tông đã có từ trước:

不立文字 (Bất lập văn tự);

教外別傳” (Giáo ngoại biệt truyền);

直指人心 (Trc chỉ nhân tâm);

見性成佛 (Kiến tánh thành Phật);

- Tư liệu về các Tổ sư Thiền tông vv… và còn nhiều căn cứ nữa.

Từ đó tôi hiểu rằng những điều được nói ra trong sách của Thầy Nguyễn Nhân là xác thực, khách quan, có cơ sở chứ không phải do Thầy bịa đặt ra.

Nhưng quan trọng nhất là những luận điểm được công bố trong Pháp môn Thiền tong của chùa Thiền tông Tân Diệu rõ ràng hơn nhiều, chi tiết hơn nhiều và “mạnh” hơn nhiều so với những tư liệu để lại trong kinh điển mà tôi đọc được. Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ có Chùa Thiền tông Tân Diệu mới là nơi nhận được mạch nguồn Thiền tông – pháp môn “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”. Vì vậy có nhiều vấn đề không thể tìm thấy trong kinh điển hoặc ở những nơi khác được.

Xin nói rõ thêm, tôi tìm hiểu những điều trên đây là để đặt niềm tin một cách vững chắc, điềm tĩnh, không vội vàng trong điều kiện hiểu biết của mình còn ít, chứ không phải tìm hiểu để phản bác hay khẩu chiến gì cả (vì bản thân sự phản bác hay khẩu chiến, công kích lẫn nhau không có ý nghĩa gì trong sự chuyển hóa tâm linh cả). Tư tưởng như vậy cũng chính là lời khuyên của Thầy Nguyễn Nhân đối với độc giả và Đức Phật cũng đã dạy: Tin Như Lai mà không hiểu Như Lai thì coi như là báng bổ Như Lai vậy!

2. Về những công bố của Đức Phật và quan niệm của khoa học:

- Albert Einstein là một nhà khoa học lỗi lạc đã cho rằng Phật giáo là một tôn giáo vượt lên trên khoa học và không cần phải xét lại quan điểm của mình trong quá trình phát triển.

- Nhà vật lý thiên tài Hawking, bằng công trình nghiên cứu trong nhiều năm đã đi đến kết luận là bác bỏ quan niệm cho rằng có một Đấng toàn năng sáng tạo ra muôn loài. Đức Phật từ đầu cũng đã dạy như vậy.

- Nghành Thiên văn học hiện đại: Một trong những nhà thiên văn hàng đầu thế giới hiện nay là giáo sư Trịnh Xuân Thuận, là một Phật tử, đã cho rằng Khoa học cần tiếp cận với Phật giáo để xác định đúng đắn hướng đi của mình, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức.

- Đức Đạt Lai Lạt Ma có nhiều bạn thân là các nhà vật lý và có nhiều cuộc trao đổi cởi mở, bổ ích với các nhà khoa học trên thế giới…

Có lẽ đây là một trong những lý do mà một số người cho rằng: Về thực chất, Phật giáo không phải là một Tôn giáo mà nên hiểu như là một triết lý chân thật, hay như một lĩnh vực “siêu khoa học”, hay là một ngành tâm lý học động lực học… chẳng hạn.

Tất cả những cái đó nói lên rằng, những điều Đức Phật nói ra, khoa học nên biết một cách nghiêm túc, vì trong đó có nhiều vấn đề khoa học chưa tiếp cận được và thực tế khoa học đang dần minh chứng được nhiều điều trong những điều Đức Phật đã nói.

Sau khi đọc các quyển sách của Thầy Nguyễn Nhân, tôi thấy có nhiều điều rất thú vị, như cấu trúc và tổ chức của một Tam giới, sự hủy diệt của một Hành tinh và sự hình thành một Hành tinh mới (thông qua lỗ đen dưới sự điều hành của Ban bệ Trời Tứ Thiên Vương)…

Đặc biệt có những thành tựu khoa học mới, chẳng hạn như những nghiên cứu về Lỗ đen vũ trụ, con người mới biết đến và tiến hành nghiên cứu sau những lý thuyết của Einstein (1879-1955), trong khi đó Đức Phật không chỉ nói đến mà còn nói rõ vai trò của chúng, đặt tên cho chúng là những “máy hút Âm Dương” từ cách đây hơn 2500 năm…

Một ví dụ cụ thể khác: Ta thường giải thích sự cân bằng của Trái đất trên quỹ đạo của nó là do lực hướng tâm (lực hấp dẫn) cân bằng với lực quán tính ly tâm khi chuyển động tròn. Nhưng thật ra không đơn giản như vậy, khi đặt nó trong vũ trụ thì ngay các nhà thiên văn học cũng khảng định sự chuyển động ổn định của Trái Đất “như trứng để đầu gậy” đó sao, thế mà Trái đất vẫn cứ chuyển động ổn định từ tỷ năm này sang tỷ năm khác! Khi được biết Đức Phật giải thích vai trò của điện từ Âm Dương và cách bảo vệ Tam giới của các vòng điện từ này thì quả là “không chê vào đâu được”.

Lại nữa, các khái niệm khoa học hiện nay về vấn đề điện và từ: Điện có Âm, Dương, có hút, đẩy; Từ có bắc nam, có hút, đẩy; hai mảng này lại có quan hệ mật thiết với nhau. Cho đến khi thuyết điện từ của Maxwell ra đời thì người ta mới đi đến được khái niệm điện từ trường, sóng điện từ…, tức là nhập được hai khái niệm làm một. Thế mà Đức Phật chỉ dùng chúng một cách đơn giản và rõ ràng: Điện từ Âm thì hút, điện từ Dương thì đẩy! Biết đâu, nếu khoa học chú ý đến điều này, nghiên cứu them thì có thể xây dựng lại các khái niệm ấy một cách đơn giản hơn và thống nhất hơn và dễ sử dụng hơn thì tuyệt biết mấy! Rồi lực hấp dẫn (sức hút giữa các vật) có liên quan gì với lực điện từ theo cách gọi của Đức Phật hay không?

Còn rất nhiều vấn đề cần nói. Tuy nhiên tôi nghĩ, Đức Phật nói về tự nhiên của Càn khôn vũ trụ không phải vì thỏa mãn sự hiểu biết của con người mà mục đích chính là Ngài chỉ cho chúng sanh con đường Giác ngộ, Giải thoát. Chẳng phải hiểu biết của Như Lai như lá cây trong rừng mà Như Lai dạy cho chúng sanh những cái chỉ như lá trong nắm tay đó sao.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, tôi nghĩ người tu Giải thoát cũng không cần quá chi tiết, quá cầu toàn trong việc so sánh những điều Đức Phật dạy và những phát biểu của Khoa học, huống chi Khoa học thì đang phát triển và liên tục điều chỉnh, còn Đức Phật thì khi thành Đạo đã “thấy, biết” tất cả!

 

3. Về sự tồn tại của các cõi chúng sanh trong một Tam giới:

Con người sinh ra và lớn lên, các giác quan chỉ tiếp xúc được với thế giới vật lý. Bản thân tôi cũng vậy, con mắt vật lý chỉ có thể thấy được các vật thể hữu hình là con người và súc sanh thôi. Nên ngoài những gì mắt thấy, tai nghe không thể hình dung được sự tồn tại của các cõi chúng sanh khác, không biết đến thế giới tâm linh và bao nhiêu sự phong phú, diệu kỳ của Càn khôn vũ trụ. Khi còn bé, chúng tôi thường vẫn kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện về một “Ông Bụt” hiền lành, thương và giúp đỡ những người khốn khó, bất hạnh. Những câu chuyện như vậy ngày nay hầu như không còn được truyền nhau trong trẻ thơ nữa. Lớn lên cũng được nghe nhiều về những hiện tượng siêu nhiên, những điều ngoài phàm tục. Nhưng do không giải thích được nên bán tin bán nghi… Và cuối cùng rồi cũng tin rằng ngoài những cái mình thấy được thì còn phải có thần, thánh, ma, quỷ… Nhưng họ ở đâu? Quy luật sống của họ thế nào? Quan niệm và đối xử với họ thế nào là đúng… Và quan trọng nhất là tôi biết được bản thân mình sau khi chết không phải là hết, vậy sau đó thì ra sao, phải chuẩn bị như thế nào cho tương lai v.v… Tôi đã đọc rất nhiều và cuối cùng thì đến với Phật pháp.

Giờ đây, sau khi đọc được sách của Thầy Nhân, tìm hiểu về Pháp môn Thiền tông ở Chùa Thiền tông Tân Diệu, tôi đã biết được các thứ lớp của mọi chúng sanh, hình dung được cơ bản cuộc sống của họ, nguyên nhân đưa đến cuộc sống đó.

Tôi đã có được những cốt lõi Vũ trụ quan, Thế giới quan và Nhân sinh quan cho mình. Từ đó bản thân cảm thấy vững vàng hơn, chủ động hơn và bản lĩnh hơn trong cuộc sống; từng bước vứt bỏ dần những ô trược trong thân tâm của mình, không đua chen với thiên hạ; đang từng bước hướng về sự Thanh tịnh nhưng đồng thời thấy được bản thân đang bao dung, độ lượng hơn, biết chấp nhận những điều xảy ra trong cuộc sống không như mong đợi… Tất cả những cái đó quý giá vô cùng và phải chăng đây là những mảng màu hiện dần lên bức tranh hạnh phúc của cuộc sống!

 

4. Về quy luật luân hồi nơi Trái đất:

Thật là may mắn khi sinh ra trong kiếp này, mình được làm người nơi Trái đất, vì con người là trung tâm luân chuyển các kiếp luân hồi, từ thấp lên cao hay từ cao xuống thấp đều thông qua kiếp người cả. Nhưng ngoài sự may mắn ra, đây cũng là nơi chứa đầy sự thách thức trong việc tạo nghiệp của mình.

Đến bây giờ tôi mới hiểu được tác dụng cuốn hút của điện từ Âm Dương tạo ra sự luân hồi như thế nào. Nếu không có người chỉ dạy thì biết đến bao giờ mới thoát ra được.

Trước dây tôi cũng không biệt được giữa hai khái niệm Phước đức và Công đức, còn coi hai cái này là một. Ông cha cũng đã dạy trong cuộc sống cần làm Phúc thật nhiều (tạo Phước). Giờ tôi đã biết được “Phước đức như tiền giấy, còn Công đức như vàng ròng”.

Trường hợp không có Phước đức, Công đức thì chẳng nói làm gì. Còn nếu có nhiều Phước đức thì tương lai sẽ được giàu sang, hạnh phúc, được đi lên (các cõi Trời), nhưng khi hưởng hết những đồng tiền giấy ấy thì lại tiếp tục mịt mù, tăm tối, chẳng biết về đâu.

Chung quy, có lẽ niềm “hạnh phúc” còn lại mà tạo hóa còn cho mọi kiếp luân hồi là mỗi lần đầu thai thì bị quên sạch. Nếu nhớ hết các kiếp của mình trong khi chưa Giải thoát thì sống làm sao nổi. Hiểu đến đây thì có lẽ ai cũng có một tâm nguyện thiết tha là được Giải thoát.

Như vậy việc tạo Công đức dù không được nóng vội nhưng là mục tiêu tối thượng cho mỗi kiếp sống của con người nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này khi muốn hướng mình theo con đường Giải thoát.

 

5. Về sự Giác ngộ và Giải thoát:

Những điều này trước đây tôi không biết một cái gì cả. Rồi những năm sau này tôi cũng đã học, hành theo Phật pháp, rồi trong cái biển cả mênh mông ấy, tôi đã lần đến con đường Thiền Quán. Theo con đường này, tôi nhận thức: Trước hết cần tăng định lực cho mình bằng Thiền định, sau đó, khi định lực đủ mạnh rồi thì bước vàoThiền tứ niệm xứ (tức quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp), phải lần lượt chứng được 16 tuệ tương ứng với các quả trong 4 bậc của dòng Thánh mà đỉnh cao là A La Hán quả - sự rốt ráo của quá trình tu tập. Nói là như vậy nhưng khi thực hành thì không đơn giản chút nào. Bản thân tôi lại tự tu tập mà không có Thầy (vì tôi đang làm việc chứ chưa nghỉ hưu). Nên sau 3 năm…,tôi chẳng đạt được cái gì: Thiền định thì không nhập định được, Thiền quán (vipassana) cũng không chứng được gì, mặc dù rất tinh tấn.

Còn từ A La Hán đến Phật như thế nào tôi hoàn toàn mù tịt; Phật giới, Tánh Phật, Tánh người gồm 16 thứ, cách thức Giải thoát… lại càng không biết.

Nay tôi được học về Tánh người, Tánh Phật, công thức Giải thoát, tu như thế nào phải luân hồi, tu như thế nào được Giải thoát, công thức Giải thoát… là cơ hội lớn để tôi có thể được bước lên con đường Giác ngộ, Giải thoát. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng: không phải cứ đọc, cứ nghe là Giác ngộ được, phải chăng vì cái đọc và nghe ấy là bằng tâm vật lý. Chẳng hạn một câu chuyện tôi đã được đọc và nghe một số lần là: Đức Phật giơ bàn tay lên trước Ông A Nan Đà rồi hỏi Ông A Nan Đà có thấy không, Ông A Nan Đà trả lời là có thấy; Khi Đức Phật hạ tay xuống rồi lại hỏi, Ông A Nan Đà trả lời là không thấy thì bị Đức Phật quở trách. Các lần đọc và nghe ấy tôi đều hiểu được và khâm phục trí tuệ của Đức Phật, nhận ra được sự mê mờ của mình trong cách tư duy. Nhưng cho đến mới đây, tình cờ tôi xem đoạn phim hoạt hình “Đức Phật thuyết giảng về Phật tánh”, chăm chú xem Đức Bổn Sư từng bước dẫn Ông A Nan Đà đi đến phân biệt giữa cái thấy vật lý và cái thấy của Tánh Phật như thế nào thì khi xem xong, hai dòng nước mắt chảy dài ra mà tôi không thể nào kiềm chế được. Lúc đó tôi nghĩ có phải thế này là Ngộ không? Sau đó tôi đã viết 48 câu văn vần, xin được dẫn ra ở dưới đây.

Tôi cũng nghĩ rằng, hiểu biết rồi nhưng đi đến Giải thoát không phải là chuyện dễ, cái đó còn phụ thuộc vào Công đức mà mình đã có nhiều hay ít, chẳng rõ kiếp trước có gì không, còn kiếp này thì ôi thôi! đến bây giờ mới biết được Công đức là gì. Chẳng sao cả, nếu có ít nhiều gì rồi thì bây giờ tiếp tục, còn nếu chưa có thì bây giờ bắt đầu vậy! Nhà nghèo muốn tích vàng ròng thì không vội được, nhưng thấy vui vì đã biết tìm ở đâu rồi!

 

Kính thưa Ban Quản Trị,

Trên đây là một số điều bộc bạch chân thật của tôi sau được tiếp nhận bộ sách của Thầy Nguyễn Nhân, theo dõi những hoạt động ở Chùa Tân Diệu, đọc các bài viết trên các Website của Chùa cùng với một số tài liệu khác.

Sau khi tôi đã đọc, nghe, nghiền ngẫm thì cuối cùng là sự mong muốn bước trên con đường tu Đạo Giải thoát. Và bây giờ tôi viết những dòng này, kính mong sự chỉ giáo, giúp đỡ của Quý Ban.

***

Tôi xin được đảnh lễ, tỏ lòng biết ơn Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cùng mười phương Chư Phật.

Tôi xin được tỏ lòng biết ơn đến các vị Tổ sư Thiền tông;

Tôi xin được tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến Ni sư Đức Thảo;

Tôi xin được tỏ lòng biết ơn đến Thầy Nguyễn Nhân, Thầy Chánh Huệ Phong, Ban Quản trị Chùa Tân Diệu, các Phật gia, Thiền gia cùng các Phật tử kính quý.

 

Nam Mô Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngày 14 tháng 6 năm 2017

 

II. BÀI KỆ:

         Thân con là, mẹ cha cho

Tâm con chẳng biết tìm dò từ đâu

         Lớn lên trong cảnh bể dâu

Học hành, lam lũ, giãi dầu nuôi thân…

      

 Vui, buồn; yêu, ghét… đủ phần

Âu rồi cũng chỉ thêm phần vô minh!

        Vui thay duyên đến với mình

Thiền Tông như ánh bình minh chiếu về.

 

        Thuyền lòng rời khỏi bến mê

Lục căn Thanh tịnh hướng về bến minh

        Pháp, sắc, hương, vị, xúc, thinh

Biết rồi nên phải tự mình buông, thôi!

                             ***

        Có hai cái thấy đồng thời

Cái thấy vật lý lăn trôi không ngừng

        Cái tưởng chẳng biết dứt, dừng

Duyên theo cảnh sắc trong từng sát-na.

 

        Cái thấy không chịu buông ra

Chạy theo cái tưởng, bôn ba luân hồi

        Ôi! còn cái thấy tinh khôi,

Trong ngần, tươi mát muôn đời lặng thinh.

 

        Chân như, tỏa ánh lung linh

Thường hằng, bất động, biết mình vậy thôi

        Thế gian mê cuộc lăn trôi

Mấy ai biết đến để thôi kiếm tìm!

                            ***

        Cái tiếng cũng chẳng lặng im

Cái nghe, cái biết cũng chìm, nổi theo

        Cái tưởng muôn kiếp lái chèo

Cái tâm vật lý bám theo muôn đời.

 

        Trầm luân theo nhịp cuốn trôi

Ngụp trong lục đạo biết đời nào ra?!

        May thay trong mỗi “cái ta”

Còn đây vật báu, ấy là Chân tâm.

 

        Chân tâm – Tánh Phật âm thầm

Vĩnh hằng, chân thật tựa mầm cây xanh

        Chúng sanh là Phật sẽ thành

Gặp mưa chánh pháp mầm xanh nẩy chồi

                             ***

        Suối Thiền đã chảy đến rồi

Trầm lắng, bồi hồi ơn Phật Thích Ca

        Lành thay trong cõi Ta Bà

Bổn Sư giáng thế chỉ nhà, quê xưa.

 

        Thanh bình trong chuyến đò đưa

Chân tâm, Công đức chốn xưa cùng về

        Qua sông mới đến được quê

Ơn Thầy Tân Diệu dẫn về bến sông.

 

        Lại cho thuyền để vượt dòng,

Chỉ cách chèo lái để không lạc đường

        Nguyện mong dứt được vô thường

Cố hương là chốn cuối đường con đi! Hết

Phật tử: Nguyễn Danh Bơ, sanh năm 1958, Ngụ tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Từ khóa:

Bản quyền thuộc về: CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU
Website: https://www.chuatandieu.com - Email: chuathientongtandieu@gmail.com - Nơi dành cho những Người muốn Giác ngộ - Giải thoát.
            

Copyright © 2017 THIENTONG. All Rights Reserved.Design by Nina Co, Ltd
Đang online: 4 | Hôm nay: 217 | Hôm qua: 451 | Tổng truy cập: 898933
Đặt câu hỏi trực tuyến